Trong số trường hợp nghi nhiễm có 214 ca kết quả xét nghiệm âm tính. Việc xử lý tiếp theo với các ca âm tính như thế nào do cơ sở y tế quyết định tùy theo tình trạng bệnh nhân. 90 người đang được tiếp tục cách ly theo dõi chờ kết quả xét nghiệm. Bộ Y tế định nghĩa "nghi nhiễm" là các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, đến từ vùng dịch.
Ngoài ra, có 270 trường hợp khác sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm nCoV.
Ba ngày qua số ca nghi nhiễm tăng, sau khi Thủ tướng công bố dịch viêm hô hấp do chủng virus corona mới. Ngày 1/2 cả nước có 92 trường hợp nghi nhiễm trong đó cách ly 27 người, ngày 3/2 có 236 ca nghi nhiễm, cách ly 73 người.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết số ca nghi nhiễm nCoV tăng vọt là do hệ thống giám sát báo cáo lên, bổ sung nhiều trường hợp đi về từ vùng dịch - là những người phải giám sát chặt chẽ.
"Đây không phải là những người mắc bệnh, nhưng là người cần giám sát theo dõi để phòng nguy cơ lây lan", ông Tấn nhấn mạnh.
Gia Lai , Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Bạc Liêu tiếp tục phát hiện và cách ly người nghi nhiễm nCoV. Gia Lai, Thái Bình cách ly mỗi tỉnh một trường hợp. Hải Phòng cách ly 7 ca.
Quảng Bình cách ly 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới với các triệu chứng của bệnh viêm phổi. Bạc Liêu cách ly hai vợ chồng Trung Quốc nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó về quê vợ thì sốt.
Vĩnh Phúc đang là tỉnh có số người Việt viêm hô hấp do virus corona nhiều nhất , với 3 người. Các bệnh nhân đi chung một đoàn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, về nước hôm 17/1. TP HCM có 3 ca dương tính đều là người nước ngoài có liên quan Vũ Hán. Khánh Hòa, Thanh Hóa mỗi nơi một ca.
Hôm qua người bệnh viêm hô hấp corona đầu tiên ở Việt Nam xuất viện. Dự kiến hôm nay bệnh nhân người Trung Quốc 28 tuổi cũng được cho ra viện.
Bệnh nhân Li Zichao đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công, sẽ được xuất viện ngày 4/2. Ảnh: Hữu Khoa |
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan nhanh, Thứ trưởng Bộ dịch thuật Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV cho biết tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch chiều 3/2: " Việt Nam đủ năng lực ngăn chặn dịch bệnh do nCoV" .
Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lan nhanh ra nhiều nước. Song "với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này".
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua. Riêng những người nhập cảnh đến hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phải "được coi như trường hợp mắc bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay tại các địa phương", không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly.
Tại Hà Nội, Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đi kiểm tra công tác cấp cứu điều trị, chăm sóc bệnh nhân, cách ly bệnh nhân dương tính với nCoV và theo dõi bệnh nhân cần giám sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại TP HCM, Bệnh viện dã chiến chống dịch viêm hô hấp đang được Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh gấp rút xây dựng, dự kiến hoàn thành ngày 15/2 với hai cơ sở, quy mô 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 1 có 300 giường bệnh trong đó 20 giường hồi sức tích cực, đặt tại Trường quân sự thành phố ở huyện Củ Chi. Cơ sở 2 với 200 giường tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.
Bệnh viện trang bị các trang thiết bị như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương... Nhân lực điều động từ nhiều bệnh viện thành phố như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương... để ứng phó kịp thời.
Khử trùng tay nắm cửa tại tầng 2 Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hữu Khoa |
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái. Tính đến ngày 4/2, số người chết tăng lên 426, trong đó có 425 người ở Trung Quốc, một ở Philippines; số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên gần 20.000, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận trường hợp nCoV truyền từ người sang người.
Thùy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét